Vọng từ ngàn năm! Tiếng trống đồng thúc quân buổi cha ông đuổi giặc! Tiếng chiêng cồng âm vang ngày hội làng mừng cơm lúa mới! Tiếng lửa reo vui của “Nồi đồng nấu bánh chưng xanh” mỗi độ Xuân về... và những tiếng vọng đó đã cùng chung đúc để làm nên linh hồn cho một vùng đất giàu nhân văn.
Từ bao đời nay, làng Trà Đông (xưa gọi là Kẻ Chè) thuộc xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hóa là nơi lưu giữ và phát huy nghề đúc đồng truyền thống. Dưới bàn tay khéo léo và tài hoa, các nghệ nhân đã khôi phục những sản phẩm truyền thống như đúc chiêng, đúc trống đồng, đúc tượng đồng, đồ thờ, lư hương con giống... và đỉnh cao nhất là nghệ thuật đúc trống đồng Đông Sơn với những chi tiết tinh xảo theo đúng hoa văn kiểu dáng xưa.
Hiện nay, làng có hàng trăm lò đúc đồng với hàng nghìn thợ thủ công lao động ngày đêm tất bật. Mỗi năm, cho xuất xưởng rất nhiều mặt hàng, đồ vật gia dụng làm từ đồng, tiêu thụ trong cả nước và xuất khẩu đi nước ngoài. Về nguyên liệu và kỹ thuật, các nghệ nhân của làng nghề đúc đồng đều thực hiện các công đoạn chủ yếu là thủ công truyền thống: Công đoạn làm khuôn, nấu nguyên liệu, công đoạn đúc, công đoạn nguội, công đoạn đánh bóng và nhuộm sản phẩm... đều được làm theo lối “cha truyền, con nối” qua nhiều thế hệ. Và từ đó đã làm ra các sản phẩm đúc đồng rất phong phú về hình thức, đa dạng về chủng loại bao gồm: Đồ mỹ nghệ, đồ tế khí, đồ phụ tùng máy móc công nghệ, đồ lưu niệm... đủ để phục vụ cho mọi nhu cầu của nhân dân, đặc biệt là phục vụ các công trình tôn giáo như đền, chùa và các sản phẩm đặc thù khác.
Âm vang như tiếng trống của cha, sâu sắc như cơi trầu của mẹ, ấy là truyền thống mà người dân làng nghề luôn tâm niệm và gửi gắm vào từng sản phẩm của mình. Một lần đến với quê Thanh, món quà nhỏ của đất Kẻ Chè chắc chắn sẽ làm vừa lòng du khách.
Lan Anh